Y học biển

Thứ 7 ngày 29 tháng 09 năm 2018Lượt xem: 18373

Vai trò trị liệu Oxy cao áp với Ngộ độc khí Cacbon monoxide (Khí CO).

 

Nhân một ca lâm sàng ngộ độc khí CO thể nặng.

Bệnh nhân nữ: Phạm Thúy H. (sinh năm 1975). Lý do vào viện: ngất.

Tiền sử: khỏe mạnh.

Bệnh sử:

Hồi 23h35’, ngày 28/01/2018, bệnh nhân được người nhà phát hiện là bị ngất trong phòng tắm (tắm với bình nóng lạnh đun bằng ga); được đưa đến cấp cứu tại khoa Cấp cứu bệnh viện HN Việt Tiệp trong tình trạng: Hôn mê (G: 9-10 đ), có lúc kích thích, vật vã, không liệt, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, không tím môi đầu chi. Khám cơ quan không thấy dấu hiệu bệnh lý. Mạch: 85 lần/phút; Huyết áp: 120/80 mmHg; SpO2: 90%. Kết quả khí máu: không rõ.

Chẩn đoán sơ bộ: Ngộ độc khí gas. Đã được điều trị bằng thở ôxy toàn phần (100%) nhưng kết quả không khả quan (tri giác bệnh nhân kém hồi phục).

- Đến 13 giờ, ngày 29/01, bệnh nhân được chuyển đến Viện Y học biển Việt Nam để điều trị tiếp với chẩn đoán “Ngộ độc khí CO”. Bệnh nhân đến Trung tâm Y học dưới nước và ôxy cao áp, Viện Y học biển Việt Nam trong tình trạng: Hôn mê (Glasgow 9 điểm: E2,V2,M5). Khó thở (thở nhanh, nông), không tím môi đầu chi, không có dấu hiệu thần kinh khu trú. Khám cơ quan không có gì đặc biệt. Mạch: 65 lần/phút, Huyết áp: 110/70 mmHg; SpO2: 90%. Kết quả khí máu: PH: 7,108; PCO2: 30,6 mmHg; PO2:108mmHg; HCO3-: 9,5 mmol/l; HbO2: 59%; HbCO: 39,5%.

Chẩn đoán xác định: Ngộ độc khí cacbon monocide (CO) thể nặng do hít phải khí ga ở giai đoạn muộn (13 giờ sau khi phát hiện).

Phương pháp điều trị: Trị liệu ôxy cao áp (HBO) theo phác đồ VINIMAM 1.

Quá trình cấp cứu bằng HBOT:

13 giờ 30, ngày 29/01 bệnh nhân bắt đầu liệu trình HBOT phác đồ VINIMAM 1 với liều 2,8 ATA thở 20 phút O2 x 4 lần + 1,9 ATA thở 30 phút O2 x 2 lần và thời gian điều trị trong buồng là 4 giờ. Sau liệu trình đầu tiên, bệnh nhân ngồi dậy được, tỉnh táo hơn, bắt đầu nói chuyện trở lại nhưng trí nhớ của bệnh nhân chưa được phục hồi hoàn toàn.

Bệnh nhân tiếp tục liệu trình HBOT thứ 2 lúc 18 giờ cùng ngày với liều lượng là 2,8 ATA x 90’ (VINIMAM 3). Kết quả điều trị cho thấy bệnh nhân tiến triển rất tốt, khám lại lúc 21 giờ cùng ngày kết quả cho thấy tinh thần và trí nhớ của bệnh nhân tiếp tục được hồi phục nhưng chưa hồi phục hoàn toàn.

Xét nghiệm lại khí máu: pH: 7,404; PCO2: 34,3 mmHg; PO2: 92,2 mmHg; HCO3- 21 mmol/l; HbO2: 96,3%; HbCO: 0,6%.

Đến 22h ngày 29/01, gia đình BN kiên quyết xin đưa BN lên Khoa chống độc BV Bạch Mai. Tại đây các BS đã giải thích với gia đình và đã chuyển bệnh nhân trở lại Viện Y học biển để tiếp tục điều trị đặc hiệu.

17h, ngày 30/01, Viện tiếp nhận BN trở lại và tiếp tục được điều trị lại ngay theo liệu trình 2,5ATA x 60 phút O2 để phục hồi các tổn thương tâm - thần kinh sau ngộ độc.

Sau 3 tuần điều trị tích cực BN được xuất viện.

GS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng,

BSNT. Nguyễn Bảo Nam, Trưởng khoa CC và chống độc biển,

Viện Y học biển Việt Nam.