Góc nhìn

Thứ 5 ngày 07 tháng 11 năm 2024Lượt xem: 4683

Donald Trump viết nên lịch sử chính trường Mỹ.

Thay vì tranh luận như những chính trị gia truyền thống, ông Trump không ngần ngại công kích trực diện với những pha ngắt lời đối thủ.

Nếu ai đó nói rằng chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc đua năm 2016 là điều bất ngờ, có lẽ sẽ không nhiều người phản đối. Đối đầu với chính trị gia lão luyện Hillary Clinton, người từng là đệ nhất phu nhân rồi ngoại trưởng Mỹ, ông Trump, vốn hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trường, nhận được sự ủng hộ của người Mỹ bởi dám nói những điều không chính trị gia nào nói và làm những việc chẳng chính trị gia nào từng làm.

Thay vì tranh luận như những chính trị gia truyền thống, ông Trump không ngần ngại công kích trực diện với những pha ngắt lời đối thủ. Trong khi ứng viên nào cũng công khai hồ sơ thuế, ông Trump chọn từ chối bất chấp sự công kích bởi vì luật cho phép ông làm điều đó. Cùng khẩu hiệu "Make Ameria Great Again", ông Trump không chỉ thu hút những người Mỹ "muốn lo cho mình" mà còn thổi bùng chủ nghĩa dân tuý trong chính trị toàn cầu.

Thế nhưng, chiến thắng đầy cảm xúc bao nhiêu thì ông Trump lại thất bại theo cách đầy cay đắng bấy nhiêu chỉ 4 năm sau đó. Với tính cách của mình, sau khi bị đối thủ Joe Biden đánh bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, ông Trump không thừa nhận kết quả mà còn cáo buộc gian lận dù không đưa ra bằng chứng. Sau những tuyên bố của ông Trump, hàng nghìn người ủng hộ quá khích đã xông vào làm loạn toà nhà Quốc hội Mỹ dù điều đó cũng không thể ngăn cản Phó Tổng thống Mike Pence - người đồng thời là Chủ tịch Thượng viện Mỹ - xác nhận chiến thắng của ông Biden.

Trở lại đường đua năm 2024, ông Trump đã đánh mất phần lớn những lợi thế. Đối mặt với hàng loạt cuộc tấn công pháp lý, vướng vào vô số vụ kiện tụng, gia đình bị bôi nhọ trên truyền thông và suýt thì bỏ mạng nếu viên đạn không sượt qua tai trong vụ ám sát hụt, ông Trump đã không còn nhiều lợi thế như 2 lần tranh cử trước đó. Tuy nhiên, bản lĩnh Donald Trump vẫn được thể hiện khi đạp lên chướng ngại vật để bước về phía trước.

Một ngày sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, truyền thông Mỹ đồng loạt tin rằng ông Trump sẽ vượt 270 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Không giống như cuộc đua năm 2020, khi số phiếu chênh lệch quá ít, ông Trump đã tạo đủ cách biệt với đối thủ Kamala Harris để người ta tin chắc vào một chiến thắng không có nhiều tranh cãi.

Theo cây viết bình luận Jason Chaffetz của tờ Fox News, một trong những trang báo hiếm hoi ủng hộ ông Trump, có những người cho rằng ứng viên tổng thống Đảng Cộng hoà giành thắng lợi vì xây dựng hình ảnh mạnh mẽ. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Trên thực tế, ông Trump đã xây dựng được một liên minh cử tri đa dạng nhất mà Đảng Cộng hòa từng chứng kiến. Ông Trump từng bước mở rộng phạm vi, thực hiện các chính sách thực chất và xây dựng một đội ngũ trong mơ gồm những cựu đối thủ nhưng đều có tình yêu nước Mỹ mãnh liệt. Ông chào đón từng cựu đối thủ vào Đảng Cộng hòa. Những nỗ lực của ông đã mang lại lợi ích cho các ứng cử viên tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.

Ông Trump lãnh đạo đảng của mình bằng cách tái thiết. Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng hòa tập trung vào việc vận động cử tri đi bỏ phiếu và thực hiện sớm. Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Đảng Cộng hoà (RNC) Michael Whatley cùng với Lara Trump và nhiều người khác,đã gây quỹ và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để phục vụ cho hoạt động của đảng tại cấp tiểu bang.

Trên hành trình tranh cử năm nay, ông Trump còn nhận được sự trợ giúp của một trong những cá nhân xuất sắc nhất nước Mỹ: Tỷ phú Elon Musk. Sự hiện diện của Elon Musk trong hàng ngũ những người ủng hộ nhiệt tình nhất đã mở đường cho Đảng Cộng hòa phát đi thông điệp của họ mà không bị kiểm soát như các chiến dịch tranh cử tổng thống trước đây. Với tư cách là chủ sở hữu mới của X (trước đây là Twitter), Elon Musk đã cung cấp nền tảng cho ông Trump và những người ủng hộ ông giao tiếp công khai mà không cần phương tiện truyền thông truyền thống làm trung gian.

Người dân Mỹ đã nói và nói rất rõ ràng rằng Donald Trump là lựa chọn của họ cho vị trí tổng thống. Họ đã gửi một thông điệp rõ ràng đến giới tinh hoa tại các siêu đô thị ven biển rằng chính tầng lớp lao động và trung lưu của nước Mỹ mới là người điều hành đất nước này.

Theo Fox News, người Mỹ đang không hài lòng với cách nước Mỹ vận hành. Nhiều cử tri tin rằng họ đang có cuộc sống tồi tệ hơn dưới thời ông Joe Biden và lạm phát là một trong những nguyên nhân lớn nhất. Họ muốn một biên giới khóa kín và một nhà lãnh đạo sẽ một lần nữa thể hiện sức mạnh chứ không phải sự yếu đuối.

Nhưng Donald Trump không chỉ có hình ảnh mạnh mẽ. Ông dường như là ứng cử viên Cộng hòa duy nhất nói chuyện với các cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người cảm thấy "bị bỏ rơi" trong các chương trình nghị sự của Đảng Dân chủ - vốn cung cấp trợ cấp hơn là cơ hội và quan tâm nhiều hơn đến biến đổi khí hậu hơn là giảm giá năng lượng cho dân chúng.

Những cử tri ủng hộ Trump có những lí do riêng của mình. Chiến thắng của ông Trump là chiến thắng cho những người Mỹ cảm thấy bị giới tinh hoa và Đảng Dân chủ lãng quên khi giới lãnh đạo đẩy nước Mỹ đi quá xa khỏi một nước Mỹ chính thống.

Ông Trump đã không bỏ lỡ bất kì ngành lao động nào trong sách lược của mình. Chiến dịch của ông đã khéo léo nhắm vào cử tri Michigan về vấn đề việc làm trong ngành ô tô, hướng tới cử tri Pennsylvania về vấn đề khai thác khí đá phiến, nói với cử tri Arizona về vấn đề nhập cư và người dân tại Nevada về vấn đề "không đánh thuế tiền tip". Những nỗ lực có mục tiêu này đều hướng đến tầng lớp lao động của các tiểu bang được coi là chiến địa trong cuộc đua vào Nhà Trắng và mở rộng cơ hội cho họ.

Ông Trump không chỉ đơn thuần mang lại hi vọng cho người dân mà còn biết chớp thời cơ để biến nhược điểm của đối thủ thành đòn tấn công không thể thuyết phục hơn. Một trong những cách mà ông Trump và phó tướng J. D Vance đã áp dụng là tận dụng nỗi bất mãn trong công chúng về tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao trong khi việc làm không đáp ứng được kì vọng.

Ngay khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo trước ngày bầu cử cho thấy tăng trưởng việc làm yếu ớt, ông Trump tuyên bố trong cuộc vận động tại Michigan: "Báo cáo việc làm hoàn toàn mới đã chứng minh một cách dứt khoát rằng Kamala Harris và Joe Biden đã đẩy nền kinh tế của chúng ta xuống vực thẳm".

Những tuyên bố của ông Trump đã chạm tới điều mà nhiều người dân tại vùng nông thôn mong mỏi và đó cũng là nguồn động lực không thể thiếu trong hành trình "phủ đỏ" bản đồ nước Mỹ trong ngày bầu cử.

Không những vậy, ông Trump đã thuyết phục được nhiều nhóm cử tri mới. Các cuộc thăm dò ý kiến chỉ ra ông Trump đã thu hút được các cử tri trẻ tuổi. Trong khi đó, Đảng Dân chủ đã mất đi sự ủng hộ của người Mỹ gốc Latinh và thậm chí cả cử tri da đen, những người không ra mặt như những người ủng hộ Đảng Dân chủ khác.

Đảng Dân chủ hiện phải hủy bỏ chiến dịch pháp lý mà họ đã dày công theo đuổi và thừa nhận rằng nước Mỹ đã bỏ phiếu cho một vị tổng thống mới. Sự kiện ngày 6/1/2021 là một chương đã khép lại trong lịch sử. Đảng Dân chủ hiện là những người phải chuyển giao quyền lực một cách công khai và khéo léo để không làm hỏng cơ hội trở lại vào năm 2028.

Còn hiện tại, sau giây phút tận hưởng chiến thắng và những bữa tiệc chúc mừng, điều ông Trump cần làm là dẫn dắt nước Mỹ tiến lên và sử dụng một cách khôn ngoan quyền lực mà người dân Mỹ đặt vào tay ông.

Năm 1992, chiến lược gia James Carville của Bill Clinton, người sau này trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 1993, đã có một câu nói bất hủ: "Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đều là về kinh tế mà thôi, ngốc ạ". Và sự thực cũng cho thấy phần nhiều các cử tri Mỹ quan tâm tới vấn đề kinh tế hơn các vấn đề khác. Là một tỷ phú, ông Trump tỏ ra mình rất hiểu điều này.

Tại một sự kiện ở Bắc Carolina hồi tháng 8, ông Trump hỏi đám đông: "Ở đây có ai cảm thấy bản thân dưới thời Biden và Kamala Harris giàu hơn là nhiệm kỳ của tôi không?". Sau câu hỏi, ông tuyên bố rằng: "Nếu bà Harris giành chiến thắng, kinh tế sẽ lao dốc như đợt suy thoái năm 1929. Còn nếu tôi tái đắc cử, Mỹ sẽ bắt đầu giai đoạn bùng nổ kinh tế hoàn toàn mới". Những phát biểu này khiến đám đông ủng hộ nhiệt liệt.

Ông Trump cho thấy chiến lược rõ ràng của mình khi đánh vào "nỗi đau" của nhiều cử tri. Dữ liệu thăm dò ý kiến của tổ chức Edison Research cho thấy 45% cử tri trên cả nước cho biết tình hình tài chính của gia đình họ hiện nay tệ hơn so với bốn năm trước, so với chỉ 20% vào năm 2020. Những cử tri đó ủng hộ ông Trump hơn bà Harris với tỷ lệ 80% so với 17%.

Kết quả trùng khớp với các cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng đánh giá nền kinh tế kém mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức gần thấp kỷ lục, tăng trưởng chung vẫn cao hơn xu hướng, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ và tổng tài sản hộ gia đình đạt mức cao kỷ lục.

Cũng theo thăm dò ý kiến cử tri toàn quốc từ Edison Research, khoảng 31% cử tri cho biết vấn đề kinh tế là điều họ quan tâm hàng đầu, con số này chỉ xếp sau tỉ lệ 35% người được hỏi cho biết tình hình dân chủ là quan trọng nhất. Và những cử tri xác định nền kinh tế là mối quan tâm chính đã bỏ phiếu áp đảo cho ông Trump thay vì bà Harris - 79% so với 20%.

Ông Trump có những chiến thuật kinh tế mạnh tay hơn rất nhiều so với đối thủ Kamala Harris. Ông tuyên bố sẽ trục xuất lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp, áp thuế nhập khẩu ở mức cao và giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp nội địa. Ông Trump tin rằng đây là những biện pháp khôi phục việc làm cho người dân Mỹ và giảm lạm phát.

Một sách lược khác ông Trump theo đuổi là về năng lượng. Tại một sự kiện ở New York vào tháng 9, ông tuyên bố: "Năng lượng là gốc rễ gây ra các vấn đề của chúng ta". Để giải quyết triệt để, ông Trump khẳng định sẽ giảm 50% chi phí năng lượng của người dân Mỹ trong vòng một năm sau khi nhận chức. Việc này sẽ được thực hiện thông qua các bước tăng tốc khai thác dầu khí, giảm rào cản gia nhập phát triển nhà máy điện.

"Tôi sẽ ban bố Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia để tăng nguồn cung năng lượng nội địa, cấp phép cho các hoạt động khoan dầu, lắp đặt ống dẫn, xây nhà máy lọc dầu, các nhà máy và lò phản ứng mới," ông Trump tuyên bố. Một số nhà kinh tế học cho rằng giảm chi phí năng lượng có thể tác động tích cực đến lạm phát và đó là thông điệp ông Trump muốn truyền tải tới các cử tri.

Lạm phát cao trong vài năm qua, ảnh hưởng tài chính là những lí do khiến cử tri hướng về ông Trump nhiều hơn. Hơn một nửa số cử tri cho biết lạm phát đã gây ra cho họ khó khăn vừa phải trong năm ngoái, trong khi gần một phần tư cho biết lạm phát đã gây ra khó khăn nghiêm trọng. Những người nói rằng lạm phát đã gây ra 'khó khăn vừa phải' nghiêng về ông Trump nhiều hơn, 50% so với 47%, nhưng 73% trong số những người coi lạm phát 'gây khó khăn nghiêm trọng' nói đã bỏ phiếu cho cựu tổng thống. Đối với những cử tri này, ông Trump là niềm hi vọng lớn nhất để bấu víu trong 4 năm tới.

Tham khảo: CNN, Fox News, Reuters