Góc nhìn

Thứ 6 ngày 30 tháng 08 năm 2019Lượt xem: 12017

Cuộc hành trình của chai nhựa.

Hành trình "lên voi xuống chó" của chai nhựa: Từ phát minh vĩ đại của nhân loại tới "kẻ tội đồ" đáng ghét khiến thế giới loay hoay tìm cách loại bỏ.

Hàng tỷ chai nhựa đã được bán ra với lời quảng cáo mỹ miều, rằng nước đóng chai tốt cho tóc và da, lành mạnh hơn đồ uống có ga và sạch sẽ hơn nước máy. Chẳng bao lâu sau, người tiêu dùng đã bị thuyết phục rằng họ cần nước đựng trong những chiếc chai nhựa có thể đem theo tới bất kỳ nơi đâu. Điều khiến chai nhựa khác biệt so với các sản phẩm làm từ nhựa khác, đó là chính là tốc độ tiêu thụ đáng kinh ngạc của nó. Từ một phát minh đỉnh cao của nhân loại, hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, chai nhựa trở thành thứ vật dụng "đáng nguyền rủa". Quá trình biến đổi này chỉ diễn ra trong vòng 1 thế hệ ngắn ngủi.

"Chai nhựa đã làm thay đổi cả ngành công nghiệp đồ uống, cũng như thói quen của chúng ta theo rất nhiều cách", Peter Gleick - đồng sáng lập và chủ tịch danh dự của Học viện Pacific tại California (Mỹ), tác giả cuốn sách Bottled and Sold: The Story Behind Our Obsession with Bottled Water. "Chúng ta đã trở thành một xã hội nơi mọi người đều nghĩ rằng nếu không có sẵn nước trong tay thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra. Suy nghĩ này thật ngu ngốc. Nó đâu giống với việc con người chết vì khát như ngày xưa", ông nói.

Năm 2016, doanh số bán của nước đóng chai tại Mỹ đã chính thức vượt qua đồ uống có ga. Tới lúc này, cả thế giới mới bừng tỉnh trước cuộc khủng hoảng rác nhựa trầm trọng. Một làn sóng phẫn nộ trước sự bành trướng của rác thải nhựa gây tắc nghẽn sông ngòi, ô nhiễm đại dương bắt đầu xuất hiện. Đột nhiên, việc mang theo nước đóng chai không còn một hành động hay ho nữa.

Dù vậy, việc "mặc" chúng lại rất thú vị: Các nhà thiết kế đã quyết định đem chai nhựa tái chế vào thời trang. Bên cạnh đó, thị trường bình đựng nước cao cấp làm từ thép không gỉ cũng hết sức phát triển, bao gồm bình đựng nước phiên bản giới hạn được khảm hàng nghìn viên pha lê Swarovski có giá 2.000 USD. Chai nhựa và nắp chai là các loại rác thải từ nhựa được thu thập nhiều thứ 3 và thứ 4 trong chiến dịch dọn dẹp bãi biển hàng năm của Ocean Conservancy tại 100 quốc gia. Các nhà hoạt động vì môi trường đang đề xuất việc cấm hoàn toàn chai nhựa, sau túi nilon. Một vài thị trấn nhỏ ở Concord, bang Massachusett (Mỹ) và Bundanoon (Australia), đã cấm hoàn toàn chai nhựa, cùng như ở các công viên, viện bảo tàng, trường đại học, sở thú tại châu Âu và Mỹ.

Theo Liên Hợp Quốc, những quốc gia đang phát triển - nơi hơn 2,2 tỷ người không có đủ nước sạch và chai nhựa là sự lựa chọn an toàn duy nhất - lại đang dẫn đầu trong việc giải quyết vấn đề. Vào tháng 6, Kenya đã ban hành lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần tại bãi biển, công viên quốc gia, rừng và khu bảo tồn. Hội đồng tự quản khu vực South Delhi (Ấn Độ) cũng cấm sử dụng chai nhựa dùng 1 lần trong mọi văn phòng ở thành phố.

 

Lịch sử của những chiếc chai nhựa

Người tiêu dùng đã uống nước đóng chai được hơn 1 thế kỷ, đầu tiên là trong chai thủy tinh, sau đó là chai thép và lon nhôm. Những chiếc chai nhựa đời đầu được hứa hẹn sẽ là giải pháp thay thế nhẹ hơn, nhưng chúng lại ngấm hóa chất và không thể chứa được đồ uống có ga. Phải đến những năm 70, một loại nhựa thần kỳ mới ra đời và làm thay đổi hoàn toàn cục diện, có tên là PET.

Polyethylene terephthalate đã xuất hiện từ năm 1941. Các nhà hóa học của công ty Du Pont đã tạo ra nó khi đang thí nghiệm với polymers. Năm 1973, Nathaniel Wyeth - một nhà khoa học khác tại Du Pont - đã đăng ký bản quyền cho chiếc chai nhựa PET đầu tiên. Nó nhẹ, an toàn, rẻ - và có thể tái chế được. Nói cách khác, đây chính là chiếc chai hoàn hảo, mở đường cho trào lưu dùng chai nhựa sau này.

Perrier và Evian là 2 công ty mở đầu cơn sốt nước đóng chai, theo sau là PepsiCo với sản phẩm Aquafina vào năm 1994. Coke và Dansani nối gót vào năm 1999. Cả 2 hãng đều dùng nước máy đã lọc. Từ năm 1994 đến 2017, doanh thu nước uống ở Mỹ đã tăng tới 284%, theo số liệu của Beverage Marketing Corp.

Từ năm 1960 đến 1970, trung bình mỗi người mua khoảng 200-250 chai nước/năm, theo số liệu của Container Recycling Institute. Hầu hết trong số đó đều là chai nhựa có thể tái sử dụng. Theo số liệu của Euromonitor International, trung bình mỗi phút lại có 1 triệu chai đồ uống làm từ nhựa được bán ra.

Ramani Narayan - giáo sư kỹ thuật hóa học tại ĐH bang Michigan - cảnh báo rằng chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào các con số và quên đi bản chất vấn đề. "Việc lạm dụng chai nhựa cần phải được hạn chế", ông nói. "Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc thu hồi sản phẩm, khuyến khích tái chế, sự cam kết của những nhà làm luật cũng như các nhãn hàng trong việc chỉ sản xuất các loại chai chứa 50-60% nhựa tái chế. Họ vẫn chưa cam kết điều này."

(Hình ảnh minh họa, đã được sự chấp thuận của nhận vật)

Hướng đi mới cho những chiếc chai nhựa

Giờ đây, khi cả thế giới đang tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng rác nhựa, hàng loạt giải pháp mới được ra đời. Thông thường, chúng sẽ phân thành 2 loại: giảm thiểu số lượng chai nhựa được sử dụng, hoặc tìm cách mới để xử lý chai nhựa sau khi bỏ đi.

Tại London, nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đang gia tăng. Thị trưởng Sadiq Khan đã công bố kế hoạch xây dựng 100 vòi nước để người dân tái sử dụng chai lọ. Vào tháng 4, các VĐV tham dự giải chạy London Marathon đã được phát nước uống đựng trong bọc làm từ tảo biển có thể ăn được. Tại Selfridges - chuỗi cửa hàng tạp hóa có tuổi đời hơn 1 thế kỷ ở London, các chai đồ uống bằng nhựa đã bị dẹp bỏ, nhường chỗ cho các loại chai thủy tinh, can nhôm và bình nước có thể tái sử dụng.

Một khi chai nhựa trở thành rác, chúng sẽ được tái chế thành các sản phẩm khác nhau như hộp đựng mực in, trụ hàng rào, mái ngói, thảm, thuyền,... Thậm chí, nhà cũng có thể xây được từ chai nhựa. Người ta đã dùng 612.000 chai nhựa để xây dựng một căn nhà 3 tầng ở Canada, với khả năng chống bão cấp 5.

Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học cho ra đời liên tiếp các phiên bản chai nhựa có thể phân hủy được. Ngoài ra, họ cũng thử nghiệm "tái chế hóa học", bằng cách đưa polymers về dạng monomer ban đầu, cho phép con người tái tạo nhựa hàng ngàn lần.

Tuy vậy, các giải pháp này đều có một hạn chế nhất định: Rác thải nhựa cần được thu thập trước đó. Hiện nay, tỷ lệ tái chế vẫn còn thấp. Năm 2016, chỉ có một nửa số chai nhựa mà con người tiêu thụ trên toàn cầu được tái chế. Tại Mỹ, những chiếc chai nhựa PET kiểu mới chỉ chứa 7%  nhựa tái chế. Các công ty giải khát thì phản đối luật cho phép người tiêu dùng đổi chai nhựa lấy tiền vì cho rằng chi phí của việc này quá cao. Thay vào đó, họ muốn sử dụng chai nhựa tái chế trong quá trình sản xuất.

Công ty PepsiCo cam kết sẽ tăng 25% lượng nhựa tái chế trong tất cả các bao bì nhựa tới năm 2025. Nestle Waters cũng hứa sẽ sản xuất bao bì tái chế được vào năm 2025 và tăng lượng nhựa tái chế lên 35% vào năm 2025 trên toàn cầu và 50% tại Mỹ. Các thương hiệu châu Âu khác cũng cam kết tăng lượng nhựa tái chế lên 50%. Riêng Coca Cola cam kết sẽ tái chế 1 chai hoặc can nhựa đã sử dụng trên 1 sản phẩm đã bán ra tới năm 2030. Họ cũng sẽ tăng lượng vật liệu tái chế trong chai nhựa lên tới 50% vào năm 2030.

Người tiêu dùng cần trả tiền cho việc thu thập rác thải nhựa

Mark Murray - giám đốc điều hành tổ chức Californians Against Waste - cho biết, việc thu thập rác thải nhựa sẽ không cải thiện được điều gì trừ khi nó đạt được nhiều giá trị hơn, thông qua chi phí bổ sung của sản phẩm. "Nếu công ty sản xuất chai nước nhựa dùng 1 lần, tôi sẽ trả tiền không chỉ cho chi phí làm ra chai nước nhựa dùng 1 lần đó, mà cả chi phí thu thập sau khi nó biến thành rác. Các hoạt động tình nguyện đều rất tốt, nhưng chìa khóa phải nằm ở việc định giá đúng cho chai nhựa.

Bart Elmore - giáo sư tại ĐH bang Ohio - khuyên các công ty giải khát cần phải hiểu được bài học khôn ngoan từ chính quá khứ của mình. Cứ tính thêm giá vào sản phẩm chai lọ của mình, họ sẽ lấy lại được đống rác nhựa.

trithuctre