XƯƠNG KHỚP

Thứ 5 ngày 05 tháng 01 năm 2023Lượt xem: 7152

Ngón tay lò xo - Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị.

Khi mắc bệnh ngón tay lò xo (Trigger finger) người bệnh rất khó khăn khi gập hoặc duỗi ngón tay. Đôi khi người bệnh phải rất cố gắng hoặc phải nhờ đến sự hỗ trợ từ người khác mới có thể bật được ngón tay ra. Tuy không đe dọa tính mạng nhưng căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của ngón tay, gây ra nhiều phiền toái và hạn chế khả năng lao động của người bệnh.

1. Nguyên nhân gây bệnh ngón tay lò xo

Ngón tay lò xo còn được gọi là ngón tay cò súng. Đây là tình trạng các bao gân gấp của ngón tay bị thoái hóa gây chít hẹp bao gân, khiến các gân gấp khó lướt qua khi người bệnh duỗi hay gấp ngón tay. Khi các gân gấp bị viêm có thể gây ra những hạt xơ làm cản trở khả năng di động của gân gấp.

Một số nguyên nhân phổ biến:

- Do đặc thù nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp như nông dân, thợ cắt tóc, thợ thủ công, giáo viên, bác sĩ phẫu thuật,... đòi hỏi người làm nghề phải thường xuyên sử dụng ngón tay, thực hiện liên tục một số động tác như véo, nắm,... Do đó, những người làm các nghề kể trên có nguy cơ bị ngón tay lò xo nhiều hơn các trường hợp khác.

- Một số chấn thương có thể do chơi thể thao, tai nạn giao thông hay xảy ra trong các công việc, sinh hoạt hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

- Một số bệnh lý như bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout,... nếu không điều trị, kiểm soát tốt có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó bao gồm tình trạng ngón tay lò xo.

2. Triệu chứng của bệnh ngón tay lò xo

Thời gian đầu bị bệnh, triệu chứng thường gặp nhất là tình trạng ngón cái bật nhẹ không đau hoặc cảm thấy khó chịu khi cử động. Sau một thời gian, bệnh tiến triển và gây ra một số âm thanh bật, bị đau khi ấn vào các khớp ngón tay hoặc các liên đốt gần trong bàn tay. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:

- Khi người bệnh vận động, ngón tay cái rất khó cử động, bị cố định hoặc mắc kẹt trong tư thế gập xuống.

- Đau vùng gân và cơn đau sẽ nặng hơn khi người bệnh cử động.

- Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân cần được người khác hỗ trợ mới có thể kéo thẳng hoặc đưa ngón tay về vị trí cũ.

- Ngón tay bị bệnh có thể sưng lên.

Ngoài ra, có thể phân loại bệnh thành 4 cấp độ và tương ứng với các triệu chứng cụ thể như sau:

     + Cấp độ 1: Người bệnh cảm nhận rõ những cơn đau ở lòng bàn tay, vùng gân gấp ngón cái.

     + Cấp độ 2: Ngón tay có cảm giác bị vướng và khó chịu.

     + Cấp độ 3: Ngón tay cái bị khóa và chỉ có khả năng cử động thụ động.

     + Cấp độ 4: Ngón tay cái bị khóa cố định và không thể cử động.

Khi xuất hiện những biểu hiện bệnh kể trên, bệnh nhân nên đến các cơ sở y khoa để thăm khám, điều trị bệnh sớm. Nếu để lâu ngày, ngón tay lò xo có thể dẫn đến những cơn đau mạn tính, khả năng vận động của ngón tay sẽ giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt của người bệnh.

3. Điều trị ngón tay lò xo bằng phương pháp nào?

- Trước hết, bác sĩ sẽ thăm khám các triệu chứng lâm sàng, sau đó chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như sau:

     + Siêu âm để nhận biết rõ hình ảnh bao gân dày lên hay có dịch bao quanh hoặc xuất hiện những hạt xơ trong bao gân.

     + Chụp cộng hưởng từ MRI: Hình ảnh kết quả có thể cho thấy tình trạng tràn dịch sưng tấy bao gân, cấu trúc cũng như chất lượng gân bị thay đổi,...

     + Kết quả xét nghiệm máu cho thấy những bất thường về bạch cầu và tốc độ máu lắng tăng cao.

- Một số phương pháp điều trị bệnh có thể kể đến như:

     + Với những trường hợp bị sưng ngón tay có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh để giảm đau, giảm viêm.

     + Hạn chế vận động ngón tay bị bệnh.

     + Có thể dùng nẹp để hỗ trợ ngón tay bị bệnh, giữ cho ngón tay này luôn thẳng.

     + Áp dụng một số bài tập trị liệu để cải thiện khả năng vận động của ngón tay. Các bài tập kéo giãn được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện và có thể mang lại hiệu quả cao.

     + Thuốc:

Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định cụ thể. Có thể dùng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau bằng đường uống. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể áp dụng tiêm thuốc chống viêm tại chỗ.

- Nếu điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để cắt bao gân duỗi. Những trường hợp ngón tay lò xo mức độ nặng cũng cần áp dụng phương pháp này.

4. Một số phương pháp phòng ngừa bệnh ngón tay lò xo.

- Hạn chế hoạt động ngón tay hoặc bàn tay quá mức.

- Tránh thực hiện các động tác lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài và đặc biệt là không nên gồng ngón tay cái thường xuyên.

- Áp dụng chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

- Thường xuyên tập luyện vùng gân khớp, ngón tay cái.

- Không nên xoa bóp bằng dầu nóng hay các loại rượu thuốc khi bị viêm.

- Ngón tay lò xo có thể do bệnh tiểu đường, viêm khớp hoặc một số bệnh lý khác gây ra. Chính vì thế, nên điều trị bệnh kịp thời và thăm khám định kỳ để kiểm soát bệnh tốt, phòng ngừa ngón tay lò xo hiệu quả.

Để được tư vấn chi tiết hơn về bệnh ngón tay lò xo hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh, mời quý khách hàng liên hệ đến Phòng khám - BS Nguyễn Tuấn Lượng qua tổng đài 1900 86 86 16.

ktk.vn st