Thứ 4 ngày 17 tháng 01 năm 2024Lượt xem: 11478
Rối loạn vận động.
Các nơron vận động và cảm giác của hệ thần kinh có nhiệm vụ dẫn truyền các xung động vận động từ thần kinh trung ương tới các cơ và tuyến ở ngoại vi và các xung động cảm giác từ các cơ quan cảm thụ ở ngoại vi về thần kinh trung ương. Để làm được điều này, các nơron vận động được sắp xếp thành chuỗi sao cho các sợi trục của chúng hướng về ngoại vi, sợi trục của nơron cuối cùng của chuỗi tiếp xúc với cơ hoặc tuyến, các nơron cảm giác được xếp theo chiều ngược lại. Chuỗi sắp xếp như vậy của các nơron được gọi là các đường dẫn truyền thần kinh.
1. Giải phẫu chức năng vận động.
Các cấu trúc của hệ thần kinh tham gia vào chức năng vận động: vỏ não, các nhân xám dưới vỏ, tiểu não, tiền đình, tủy sống, rễ, dây thần kinh… Các cấu trúc này hoạt động liên kết với nhau rất tinh vi thông qua các đường dẫn truyền. Ngoài ra chức năng vận động còn liên quan tới các chất dẫn truyền thần kinh và xinap thần kinh cơ.
Nhiều bộ phận của hệ thần kinh tham gia thực hiện chức năng vận động, nhưng có hai hệ thần kinh chính đảm bảo điều hoà vận động là hệ tháp và hệ ngoại tháp. Hai hệ này hoạt động nhuần nhuyễn và khăng khít với nhau.
#1. Đường dẫn truyền vận động không có ý thức (ngoại tháp) là con đường từ cấu tạo lưới của thân não đi xuống tuỷ sống qua các bó lưới - tuỷ giữa và bên. Vỏ đại não có đường liên hệ với cấu tạo lưới của thân não nhưng đường liên hệ này còn chịu ảnh hưởng của thể vân, nhân dưới đồi thị, chất đen và tiểu não qua những vòng tiếp nối phức tạp. Những trung tâm của các phản xạ thính giác (ở gò dưới của mái trung não), thị giác (ở gò trên của mái trung não), tư thế (nhân tiền đình) và trương lực cơ (nhân đỏ) cũng cho các dải sợi đi tới sừng trước tuỷ sống (các dải mái - tuỷ, tiền đình - tuỷ và đỏ - tủy). Những đường phản xạ này cũng được mô tả như là các đường ngoại tháp.
- Hệ ngoại tháp bảo đảm trương lực cơ, điều hòa, phối hợp vận động điều hòa các vận động không chủ ý.
#2. Đường vận động có ý thức do hai nơron vận động tạo nên. Thân nơron vận động trên nằm ở hồi trước trung tâm (vùng vận động thân thể) cho sợi trục đi xuống tới nhân vận động các thần kinh sọ hoặc sừng trước tủy sống bên đối diện, tạo nên dải tháp. Những sợi của dải tháp mà đi tới các nhân vận động thần kinh sọ gọi là các sợi vỏ - nhân, các sợi tới tuỷ sống là các sợi vỏ - tuỷ. Khi tới hành não dưới, phần lớn các sợi vỏ - tuỷ bắt chéo rồi tiếp tục đi xuống tủy sống, tạo nên dải vỏ - tủy bên; những sợi không bắt chéo ở hành não tạo nên dải vỏ - tủy trước. Thân nơron vận động dưới nằm ở sừng trước của tuỷ sống hoặc nhân vận động thần kinh sọ cho sợi đi tới các cơ vân ở ngoại vi.
- Hệ tháp (đường dẫn truyền vận động có ý thức) có vai trò điều hoà sức cơ khi vận động điều hòa các vận động chủ ý.
Đường dẫn truyền vận động chủ ý gồm có hai neuron: neuron vận động trung ương và neuron vận động ngoại vi.
- Nơron vận động trung ương (còn gọi là bó tháp, bó vỏ - tuỷ), bó tháp được bắt nguồn từ vỏ não, nơron tháp hay nơron vận động thứ nhất bắt nguồn từ lớp thứ 3 và 5 của vỏ não. Phần cuối trục nơron của bó tháp sẽ ngừng tại sừng trước tuỷ, kết thúc nơron vận động trung ương và bắt đầu nơron vận động ngoại vi. Khi neuron vận động trung ương (bó tháp) bị tổn thương sẽ gây liệt kiểu trung ương.
- Neuron vận động ngoại vi nằm ở nhân vận động dây thần kinh sọ não và sừng trước tủy sống, sợi trục của neuron vận động ngoại vi tạo thành sợi vận động dây thần kinh sọ não và dây thần kinh vận động của rễ trước tuỷ sống nhập vào rễ bên cạnh tạo thành đám rối và dây thần kinh ngoại vi. Khi neuron vận động ngoại vi bị tổn thương sẽ gây liệt kiểu ngoại vi. Đường dẫn truyền vận động không chủ ý chủ ý gồm có hai bó (gai tiểu não trước – bó Gover và gai tiểu não sau – bó Fleigsich: chủ yếu liên quan tới chức năng phối hợp vận động.
Trung khu vận động ở vỏ não gồm: Hồi trán lên: tham gia điều tiết vận động cho từng phần cơ thể theo hình lộn ngược và phần sau hồi trán giữa và tiểu thuỳ cạnh trung tâm.
2. Rối loạn vận động.
Rối loạn vận động (Movement disorders - MD) dùng để chỉ tình trạng rối loạn hệ thống đường dẫn truyền vận động gây ra các động tác bất thường.
#1. Phân loại các rối loạn vận động.
Theo mức độ biểu hiện vận động:
- Rối loạn giảm vận động.
- Rối loạn tăng vận động.
Theo vị trí tổn thương:
- Bệnh của neuron vận động: bệnh neuron vận động trung ương (neuron vận động trên), bệnh neuron vận động ngoại vi (neuron vận động dưới): các bệnh thần kinh ngoại vi và tổn thương hỗn hợp: xơ cột bên teo cơ.
- Bệnh do tổn thương chức năng phối hợp vận động: rối loạn phối hợp vận động và thăng bằng.
- Bệnh do rối loạn trương lực cơ.
- Bệnh của các chất dẫn truyền và xinap thần kinh cơ: hội chứng nhược cơ, bệnh nhược cơ,...
#2. Nguyên nhân của các rối loạn vận động.
- Nguyên nhân có liên quan tới mạch máu não – tủy sống: đột quỵ não, tắc mạch máu tủy, vỡ mạch máu tuỷ, ...
- Chấn thương sọ não và tủy sống.
- Khối choán chỗ: u não, u tuỷ sống, ...
- Viêm não, viêm tủy sống.
- Nhiễm độc: tác dụng phụ khi dùng nhóm thuốc an thần kinh kéo dài, ...
- Thoái hóa não, tuỷ sống: do tuổi, yếu tố gen, ...
3. Rối loạn vận động thường gặp.
Bình thường, vận động tự chủ có sự phối hợp của: bó tháp, ngoại tháp và tiểu não. Rối loạn vận động khi có sự bất thường của một trong các hệ thống trên. Hay gặp các nguyên nhân gây ra rối loạn vận động xảy ra trong hệ thống ngoại tháp.
Các rối loạn vận động thường gặp, gồm:
- Run.
- Giật cơ.
- Tics.
- Múa giật: bao gồm múa vung nửa người (giật nhanh) và múa vờn (giật chậm).
Tuy nhiên, phân loại này mang tính tương đối; không giải thích cho sự chồng lấp giữa các phân loại (ví dụ: như các cơn run trong bệnh Parkinson).
Các rối loạn ở tiểu não (thất điều) đôi khi được coi là rối loạn tăng vận động thường đi kèm với mất điều hòa trục, dáng đi và kèm theo hoặc không kèm theo rung giật nhãn cầu trung ương, rối loạn tầm di chuyển mắt nhanh, đột ngột và rối loạn chức năng di chuyển mắt theo đuổi.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 16/02/2021
Khi nào bạn cần đến sự tư vấn của Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh?